Thu hoạch cà phê của Việt Nam sẽ giảm so với dự đoán, xuống mức thấp nhất 4 năm, và lẽ ra có thể còn tồi tệ hơn nếu không có mưa muộn, AgriMoney cho biết.
Văn phòng Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Hà Nội đã giảm dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam, nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, xuống 26,6 triệu bao trong mùa vụ 2016-2017. Con số này tương đương mức giảm 2,3 triệu tấn, tức 8% so với mùa vụ trước.
Con số này dù thấp hơn 660 nghìn bao so với dự báo chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhưng vẫn lạc quan hơn so với một số dự báo khác, vốn cho rằng mùa vụ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùa khô kéo dài do tác động của hiện tượng thời tiết bất thường El Nino.
Trước đó, Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (Vicofa) từng dự báo sản lượng năm nay ước giảm khoảng 10-20%, dù dự báo của BMI Research là 26,88 triệu bao.
Tuy vậy, văn phòng này cũng cho rằng đợt mưa muộn sẽ giúp cây cà phê phục hồi từ tình trạng “cực kỳ khắc nghiệt” hồi đầu năm nay, vốn đã khiến nhiều cây bị khô héo, dẫn đến trái cà phê bị rụng. Những cơn mưa này cũng thúc đẩy cây hấp thụ phân bón hiệu quả hơn. Nhờ vậy, hoa và trái cà phê sẽ được hình thành cho mùa vụ tiếp theo.
Văn phòng của Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Hà Nội cũng lưu ý sản lượng mùa vụ cà phê mới chưa thể phục hồi khi nông dân đang thay thế cà phê bằng các loại cây trồng khác.
“Nền kinh tế sản xuất cà phê đang thay đổi ở Việt Nam. Nông dân muốn chuyển đổi cây trồng để có thu nhập cao hơn”. Các loại cây thay thế được nông dân lựa chọn là bơ, chanh dây và đặc biệt là tiêu đen – mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hàng đầu thế giới.
“Nông dân có thu nhập cao hơn khi trồng tiêu đen. Điều này đang thu hút các nông dân chuyển đổi phần lớn nông trại của họ sang trồng tiêu. Việc chuyển đổi đặt ra mối đe dọa cho ngành sản xuất cà phê tại Tây Nguyên, nơi có đất canh tác khá hạn chế”, văn phòng nói.
Văn phòng cũng ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam mùa vụ 2016-17 đạt 25,1 triệu bao, thấp hơn 2,1 triệu bao so với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ và giảm 4,4 triệu bao so với cùng kỳ.
Do Việt Nam là nước xuất khẩu robusta hàng đầu, mùa vụ thất vọng này làm dấy lên lo ngại cho các nhà thu mua, đặc biệt là giữa bối cảnh mùa vụ tại Brazil và Indonesia cũng bị thiệt hại nặng nề.
Thực tế, nhiều nhà thu mua đã chuyển sang tìm nguồn cung arabica chất lượng thấp để thay thế, đẩy giá loại cà phê này tăng mạnh trước khi điều chỉnh lại từ giữa tháng Mười một, AgriMoney cho hay.
Nguồn: nhipcaudautu.vn