Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá cà phê thu mua trong nước chỉ ở quanh mức 50.000 đồng/kg thì hiện đã tăng gấp đôi lên trên 120.000 đồng/kg.
Giá cà phê tăng cao là điều đáng mừng cho người trồng cà phê Việt Nam. Nhưng với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê, từ các đại lý thu mua tới nhà xuất khẩu, thương mại, rang xay… việc giá tăng nhanh và quá cao cũng đang gây ra nhiều thách thức.
Giá cà phê nhân xô tăng cao kỉ lục lên mức 120.000 – 125.000 đồng/kg trong những ngày vừa qua đang khiến nhiều công ty không mua được nguyên liệu hoặc buộc phải gồng lỗ, mua với giá cao để có hàng, kịp giao cho các đối tác đã ký kết từ trước.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group cho biết: “Có 2 vấn đề đó là hợp đồng đã ký thì cũng mua lại của các nhà cung cấp và một tỷ lệ lớn các nhà cung cấp không giao hàng, nên các nhà xuất khẩu đang vật lộn“.
Doanh nghiệp FDI cũng lo ngại tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và vấn đề giữ chữ tín trong kinh doanh, khi một số nhà cung ứng Việt Nam chậm giao hàng, thậm chí không thực hiện hợp đồng.
Ông B.Aditya – Quản lý Thu mua, Công ty Cà phê CCL Products India Ltd cho biết: “Hiện nay, chúng tôi phải thay đổi chiến lược nhập cà phê về để thay thế cà phê robusta của Việt Nam. Đây là điều chúng tôi không lường trước được, cả chuỗi ngành hàng đang bị phá vỡ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cà phê Việt Nam“.
Để gỡ những nút thắt này, các chuyên gia cho rằng ngân hàng cần tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các doanh nghiệp cà phê. Có như vậy, họ mới đủ nguồn vốn để thu mua cà phê và giao cho các đối tác đúng như cam kết, tránh tình trạng bẻ kèo, gây mất uy tín của ngành cà phê Việt trên trường quốc tế.
Ngành cà phê đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 5 tỷ USD trong năm nay và được coi là ngành hàng quan trọng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành cà phê tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững, ngoài hỗ trợ về tăng hạn mức cho vay để vượt qua khó khăn trước mắt thì cần hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, tiếp cận chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.
Niên vụ cà phê 2022 – 2023, Việt Nam cũng đã phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê do nguồn cung trong nước bị thiếu hụt. Do vậy về lâu dài, việc ổn định sản lượng cà phê Việt Nam cũng là cơ sở rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như giữ vị thế của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo VTV Online (link bài viết gốc)