Thị trường cà phê thay đổi nhiều

Lượng xuất khẩu giảm, giá không còn hấp dẫn, nhiều phần diện tích trồng cà phê đang phải nhường cho hồ tiêu và một số cây trồng khác vì có người tin lợi ích kinh tế của các loại nông sản ấy cao hơn. Cứ tưởng cây cà phê đang bão hòa, an phận. Chưa chắc!

> Tây Nguyên đặt mục tiêu đạt sản lượng trên 1,3 triệu tấn cà phê

Nghênh đón niên vụ mới

Niên vụ cà phê mới 2017-2018 đã bắt đầu từ ngày 1-10 một cách khá lặng lẽ tại Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.

thi truong ca phe thay doi

Trong khi đó, khắp nơi trên thế giới, từ các nước sản xuất ở Nam Mỹ, châu Phi… đến các vùng tiêu thụ như Mỹ, châu Âu đều tổ chức các hoạt động dành riêng cho Ngày Quốc tế cà phê 1-10 theo sáng kiến của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nhằm tôn vinh người nông dân làm ra hạt cà phê trên Trái đất. Ngay cả tại giữa thủ đô Washington (Mỹ) hay Paris (Pháp)… từ chiều 30-9, đúng dịp cuối tuần, nhiều người háo hức mong hết giờ làm để cùng nhau đến quán hẹn, thưởng thức ly cà phê miễn phí, với mong muốn chia sẻ sự khổ nhọc của người trồng cà phê và hứa hẹn đẩy mạnh tiêu thụ như là một cách ủng hộ nông dân cà phê thế giới. Hoạt động mừng niên vụ cà phê mới được kéo dài đến đêm 6-10 (giờ châu Âu) khi giới kinh doanh cà phê, trong đó có nhiều doanh nhân cà phê Việt Nam, đã tụ hội về Geneva (Thụy Sỹ) để tham gia dạ tiệc cà phê như là nơi giao lưu trao đổi các thông tin về mùa màng, giá cả, lập quan hệ bạn hàng… cho cà phê niên vụ 2017-2018 của thế giới.

Qua rồi một năm khó khăn

thị trường nội địa, không ít người cho rằng hoạt động ngày “Cà phê thế giới” ở trong nước sao quá yên ắng. Xuất khẩu giảm nên ngành cà phê Việt Nam mất hứng chăng? Thống kê sơ bộ của niên vụ cũ 2016-2017 (bắt đầu từ 1-10-2016 đến 30-9-2017) cho thấy khối lượng xuất khẩu cà phê trong kỳ chỉ đạt chừng 1,5 triệu tấn, thấp hơn năm trước 250.000 tấn. Đấy là một năm khó khăn cho ngành cà phê Việt Nam khi phải giải quyết một lượng cà phê chất lượng xấu với tỷ lệ 15-20% đen mốc do mưa kéo dài gây ra ngay lúc cao điểm thu hoạch.

Đấy cũng là một năm căng thẳng cho các nhà xuất khẩu trong nước vì giá cả thu mua và nguồn hàng không mấy thuận lợi. Giá đầu vào của cà phê chế biến xuất khẩu thường thấp hơn mặt bằng giá thị trường nội địa. Tình trạng “giá nội đội giá ngoại” xảy ra liên tục, tức giá thu mua hàng chế biến xuất khẩu nhiều lúc bất lực trước giá mua bán trao tay giữa các đại lý thu mua với nhau. Giả dụ như cuối tuần trước, nếu thu mua xuất khẩu, các công ty chỉ trả được 42,5 triệu đồng mỗi tấn cho hàng nguyên liệu thì các doanh nghiệp thu mua giao dịch với nhau ở mức 43,5 triệu tại vùng nguyên liệu. Cà phê giao hàng về kho các cảng xuất khẩu quanh khu vực TPHCM được trả đến 44,5 triệu đồng/tấn cho cà phê robusta loại 2 tối đa 5% đen bể. Phiên ra đô la Mỹ, giá đầu vào đã trên 1.960 đô la Mỹ/tấn nhưng các nhà nhập khẩu chỉ trả 1.900 đô la/tấn.

Muốn có nguyên liệu để chế biến cà phê xuất khẩu, các doanh nghiệp không còn con đường nào khác là phải chấp nhận trả giá cao hơn thị trường thực mua thực bán. Nhưng điều này thì không thể vì rủi ro thua lỗ rất lớn, thêm vào đó một số nhà nhập khẩu lo ngại gặp phải chất lượng cà phê không tốt nên sức mua cũng rất dè chừng.

Giảm lệ thuộc vào giá kỳ hạn và giá xuất khẩu

Nhìn vào hoạt động của giá trên thị trường nội địa, có người lo ngại tình trạng “giá nội đội giá ngoại” sẽ làm cà phê Việt Nam mất dần thị trường xuất khẩu. Điều đó có lý.

Tuy nhiên, cũng đáng mừng khi cùng một mặt bằng giá kỳ hạn đầu niên vụ, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên thời điểm này của năm 2017 cao hơn cùng kỳ năm 2016 gần 2 triệu đồng mỗi tấn. “Được giá” hiện nay không có nghĩa là nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nhiều hơn.

Thật ra trước đây, do quá phụ thuộc vào giá của các nhà nhập khẩu, thường được dựa trên giá niêm yết của sàn kỳ hạn cà phê để quyết định giá mua cho nhu cầu của họ, từ đó nông dân và nhà xuất khẩu phải “chiều theo” giá người mua công bố nhưng không tính hết vô vàn rủi ro rình rập. Chính vì vậy, đã có nhiều nhà cung ứng cà phê trong nước không quan tâm đến bán xuất khẩu hay gom hàng chờ giao cho các hợp đồng xuất khẩu mà chỉ kinh doanh theo cách “mua đâu bán đó”, “bán mua liền tay”. Có nghĩa cứ ở đâu có chênh lệch, đảm bảo được một mức lời ít nhiều theo kỳ vọng, là thương vụ được thực hiện. Đặc điểm của phương thức mua bán này là vốn và hàng hóa được xoay vòng nhanh chóng, tuyệt đối không làm theo cách “đánh quả”, chờ “trúng mánh” thông qua đầu cơ tích trữ.

Nhờ thế, giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa ít có tăng giảm bất ngờ như những năm trước dù giá niêm yết sàn kỳ hạn có lên xuống thất thường.

Cách mua bán này đã giúp thị trường cà phê nội địa có giá khá ổn định trong năm kinh doanh vừa qua, dù có thể gây khó khăn ít nhiều cho khối lượng xuất khẩu. Chắc chắn cách “mua bán ăn chênh lệch” như thế của một bộ phận doanh nghiệp mới xuất chiêu sẽ trở thành động lực thúc đẩy các nhà xuất khẩu tìm hướng đi mới như phải nâng cao giá trị gia tăng của hạt cà phê thông qua chế biến, cung ứng trực tiếp cho các hãng rang xay, tạo cho mình thị trường xuất khẩu riêng biệt… mà không phụ thuộc nhiều vào giá công bố của người mua, thường là những nhà kinh doanh trung gian. Qua đó, tách khỏi ảnh hưởng của các sàn kỳ hạn cà phê, nay đã trở thành sân chơi của các tay đầu cơ tài chính.

Giá cà phê nội địa trong suốt 12 tháng qua chủ yếu dao động trong khu vực từ 43-46 triệu đồng/tấn, dù có khi chạm 40 hay 48 triệu đồng/tấn nhưng rất chóng vánh quay về trạng thái bình thường.

“Cái khó ló cái khôn”, thị trường cà phê nội địa hàng ngày đang chuyển động theo cách bỏ dần phụ thuộc vào giá kỳ hạn do các nhà nhập khẩu áp đặt.

Rủi ro trong xuất khẩu vì cứ phải dựa trên giá thế giới, nhiều doanh nghiệp trước đây xuất khẩu nay đã quay về với chế biến, cung ứng và cao hơn nữa là rang xay cà phê sạch, cà phê đặc sản. Một phong trào sản xuất và chế biến cà phê sạch-đặc sản đang được nhiều bạn trẻ cổ vũ dẫn tới một phong trào tiêu thụ cà phê nội địa khá rầm rộ trong những ngày này. Nếu như giá 1 ki lô gam nguyên liệu cà phê loại hàng chợ hiện nay chừng 44.000 đồng thì có doanh nghiệp đang đưa ra thị trường loại hàng robusta “nhà vườn”, “đặc sản” với mức giá chào bán cao hơn gấp đôi.

Nhìn từ bên ngoài, tưởng hạt cà phê Việt Nam đang bị “o ép” khi so với các loại nông sản khác đang lên ngôi như hồ tiêu, đào lộn hột (hạt điều)… Không hề! Ngành cà phê đang từng ngày thay đổi, bức tranh đang chuyển dần sang gam màu tươi và chắc chắn sẽ có một ngày các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam lấy lại cuộc chơi vì họ đang chủ động làm điều đó.

Theo Nguyễn Quang Bình (SGtimes)

Trả lời