Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2017, XK cà phê tuy giảm về lượng (7,3%) nhưng lại tăng về giá trị (22,3%) so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do với EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc… sẽ tạo cơ hội cho việc xuất khẩu cà phê trong những năm tới.
Tận dụng lợi thế
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê trong tháng 2 ước đạt 132 nghìn tấn với giá trị đạt 299 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm ước đạt 273 nghìn tấn, trị giá 616 triệu USD, giảm 7,3% về khối lượng nhưng tăng 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1/2017 đạt 2.257 USD/tấn, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong năm 2016, cả nước xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê, đạt 3,36 tỷ USD, tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị so với năm 2015. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016 là Đức và Mỹ , với thị phần lần lượt là trên 15% và 13%.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới do nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào việc chế biến cà phê xuất khẩu. Đơn cử như Nestlé đã đầu tư gần 300 triệu USD và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại tỉnh Đồng Nai. Các công ty trong nước như: Trung Nguyên, Mê Trang, Vinacafe… cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất.
Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc… đã giúp cà phê của Việt Nam khi xuất khẩu vào những thị trường này được hưởng nhiều lợi thế hơn. Cụ thể, trước đây chỉ cà phê nhân của Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường này mới được hưởng mức thuế 0%, còn các sản phẩm cà phê chế biến phải chịu mức thuế cao từ 15 – 20%. Hiện nay với những điều kiện trong FTA, cà phê chế biến của Việt Nam chỉ chịu thuế 0 – 5%. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu vào các thị trường đã ký FTA trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Tuy giá cà phê xuất khẩu giảm trong tháng 2, nhưng xuất khẩu cà phê trong 4 tháng đầu niên vụ cà phê mới 2016/2017 đã đạt tổng cộng 520.403 tấn (tương đương 8,67 triệu bao) với giá trị kim ngạch 1,14 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và tăng 22,9% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước. Sỡ dĩ xuất khẩu trong 4 tháng đầu niên vụ cà phê mới tăng cả lượng lẫn giá trị kim ngạch là do các tháng gần đây giá cà phê quốc tế trên sàn Robusta London tăng mạnh.
Không được quá lạc quan
Được ghi nhận ở mức giá khá tốt ngay từ đầu niên vụ 2016/2017 (tính từ ngày 1/10/2016 – 30/9/2017), nhưng trong tháng 2/2017 thị trường cà phê trong nước lại có sự biến động về giá. So với cuối tháng 1/2017, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã giảm từ 500-600 đồng/kg xuống còn 44.200-45.600 đồng/kg. Đánh giá về tình hình biến động của giá cà phê trong tháng 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá cà phê giảm do Brazil đình chỉ tạm thời quyết định cho phép nhập khẩu cà phê vối Robusta. Nông dân trồng cà phê có xu hướng giữ hàng hạn chế bán ra với kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn trong tháng 3.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VIFOCA), trong niên vụ 2016/2017, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo giảm trên 20% so với vụ trước, chỉ khoảng 1,3 triệu tấn. Một trong những nguyên nhân chính khiến sản lượng sụt giảm là do tác động tiêu cực của hiện tượng El-Nino mạnh nhất trong 2 thập niên qua. Khô hạn, thiếu nước tưới làm cho năng suất giảm mạnh, từ 30-70%, thậm chí hàng ngàn héc ta cà phê ở Tây Nguyên đã mất trắng.
Không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu, báo động nhất hiện nay trong ngành cà phê là tình trạng chặt phá cà phê, khiến diện tích cà phê giảm mạnh. Cây cà phê đang bước vào thời kỳ “lão hóa”, năng suất, sản lượng thấp, lợi nhuận không cao. Trong khi đó, giá hồ tiêu cao và tình trạng trồng xen cây ăn quả như bơ, sầu riêng vào vườn cà phê đang lan rộng. Những cây trồng này lại có lợi nhuận cao hơn nên được nông dân dần lựa chọn để trồng thay thế cà phê. Nếu Nhà nước không sớm có biện pháp can thiệp thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển cây cà phê bền vững trong thời gian tới.
Giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam tăng trong 4 tháng đầu niên vụ 2016/2017 là do được dự báo sản lượng cà phê sẽ sụt giảm ở một số nước trồng cà phê. Trong khi đó, sản lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu đứng hàng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil (27.500 bao, loại 60kg, so với gần 45.400 bao của Brazil). Nhưng về giá trị chỉ xếp hàng thứ 3 sau Brazil và Colombia. Sản lượng xuất khẩu của Colombia chỉ có 12.500 bao, chưa bằng một nửa của Việt Nam nhưng giá trị đạt tới 2,6 tỷ USD so với 2,4 tỷ USD của Việt Nam.
Nếu không có sự hạn chế về nguồn nguyên liệu thì giá trị cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó có thể tăng nếu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô, chưa chế biến sâu. Hiện nay trong nước có 150 DN xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê, trong đó có 13 DN FDI. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 DN có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu; 90% các DN trong nước và 100% DN FDI mua cà phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu, dẫn đến chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao, đồng thời thiếu sự liên kết trong đàm phán về giá xuất khẩu cà phê, dẫn đến bị ép giá hoặc phá giá xuất khẩu.
Được biết, ngành cà phê Việt Nam hiện đang thực hiện đề án tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh với phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”. Theo đó, đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu cà phê, đạt tỷ trọng từ 30 – 40% sản lượng, với các thương hiệu mạnh. Tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê đạt trên 200% so với hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 5 – 6 tỷ USD.