Thị trường cà phê thế giới dự báo sẽ tiếp tục được giá trong năm 2017

Những mối quan ngại về nguồn cung, nhất là đối với cà phê robusta, là một trong những yếu tố chủ yếu đẩy giá cà phê trên thị trường kỳ hạn tăng lên trong phần lớn thời gian của năm 2016.

Cà phê arabica để mất đà tăng giá vào cuối năm 2016 trước dự báo Brazil sẽ có một vụ mùa 2017 bội thu, trong khi cà phê robusta vẫn tiếp đà đi lên.

duoc-gia-mat-mua-duoc-mua-mat-gia-noi-buon-nguoi-trong-ca-phe-tay-nguyen

Nông dân Gia Lai thu hoạch cà phê

Giới phân tích cho rằng cho dù sản lượng có tăng lên trong thời gian tới thì cũng chỉ giúp giảm bớt phần nào sự căng thẳng về nguồn cung trên thị trường và do vậy, giá cà phê sẽ vẫn tăng mạnh, ít nhất là trong nửa đầu năm 2017.

Ngân hàng Commerzbank (Đức) cho rằng thị trường cà phê thế giới niên vụ 2016/17 sẽ thiếu cung trong niên vụ thứ ba liên tiếp, chủ yếu do sản lượng cà phê robusta tại các quốc gia trồng cà phê chủ chốt đứng ở mức thấp.

Tại Brazil, thời tiết khô hạn ở tỉnh Espirito Santo, vùng trồng cà phê chủ chốt của nước này, đã khiến cho triển vọng sản lượng cà phê robusta năm 2017 thêm phần ảm đạm.

Nếu sản lượng cà phê của Brazil sụt giảm mạnh, nguy cơ thị trường cà phê robusta toàn cầu tiếp tục rơi vào trạng thái thiếu cung là điều khó tránh.

Các chuyên gia của ngân hàng Rabobank (Hà Lan) nhận định rằng sau ba niên vụ thiếu cung, 2017/18 sẽ là niên vụ thiếu cung thứ tư liên tiếp, với mức thiếu hụt ước tính khoảng hai triệu bao (1 bao = 60kg).

Trong khi đó, nguồn cung cà phê arabica có phần ổn định hơn, do cả Brazil và Colombia dự báo sẽ có một vụ mùa bội thu.

Theo các chuyên gia của Commerzbank, trong bối cảnh trên, giá cà phê sẽ vẫn ở mức cao. Tính chung cả năm 2016, giá cà phê arabica tăng 8,2%, trong khi cà phê robusta tăng tới 45%. Trong năm 2016, giá cà phê arabica tiếp đà đi lên từ đầu năm và đã phá vỡ mức trần 160 xu/pound (1 pound = 0,454 kg).

Phân tích của hãng phân tích và dự báo thông tin kinh tế Focus Economics cho thấy điều kiện thời tiết không thuận lợi ở Brazil và Việt Nam sẽ làm sản lượng cà phê giảm sút.

Nguồn cung bị thu hẹp cùng với tiêu thụ cà phê toàn cầu gia tăng, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, sẽ đẩy giá cà phê tiếp tục đi lên.

Trong năm vừa qua, cà phê (cả cà phê robusta và arabica) là một trong những hàng hóa nguyên liệu tăng giá mạnh nhất trong các chỉ số hàng hóa của Bloomberg.

Theo phân tích của công ty môi giới hàng hóa và giao dịch tài chính Sucden Financial (Anh), ngoài yếu tố nguồn cung, một lý do nữa đẩy giá cà phê tăng mạnh chính là sự thay đổi về nhu cầu, trong đó thế hệ trung niên uống nhiều cà phê hơn và đa dạng về chủng loại hơn.

Giá cà phê trên thị trường toàn cầu sẽ đi lên trong dài hạn, nếu nguồn cung tiếp tục chịu tác động tiêu cực.

Về cơ bản, triển vọng thị trường cà phê thế giới không thay đổi kể từ tháng 11/2015. Nhu cầu cà phê khá lớn đã hỗ trợ thị trường trong suốt năm 2016 và sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng trong năm 2017.

Xét về nguồn cung, Sucden Financial cho rằng ít có khả năng sự gia tăng về sản lượng sẽ làm giảm tình trạng căng thẳng trên thị trường.

Rabobank cũng lưu ý rằng chênh lệch về giá giữa cà phê arabica và robusta sẽ thu hẹp, do thị trường toàn cầu thiếu cung cà phê robusta, trong khi nguồn cung cà phê arabica lại khá dồi dào.

Theo dự báo của Rabobank, giá cà phê quý 1/2017 sẽ giao dịch ở mức bình quân 157 xu/pound (đối với cà phê arabica) và 2.070 USD/tấn (cà phê robusta), nhỉnh hơn so với dự báo lần lượt 155 xu/pound và 2.050 USD/tấn của ngân hàng Commerzbank./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Trả lời