Cà phê Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong bối cảnh hội nhập, ngành đang nỗ lực tận dụng những lợi thế của mình để phát triển.
Nâng cao chất lượng
Là quốc gia đứng đầu thế giới trong sản xuất cà phê robusta, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để phát triển cà phê trong bối cảnh hội nhập. Trong đó, vấn đề cây giống đang được xem là lợi thế lớn của ngành khi Việt Nam có những giống cà phê cho năng suất cao nhất thế giới (4,5-5 tấn cà phê nhân/ha), có khả năng chịu hạn, kháng sâu bệnh tốt như TR4, TR5, TRS1, TR6… Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, giống là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng và với cà phê nó có ý nghĩa hơn khi chu kỳ kinh doanh thường kéo dài từ 20-25 năm. Và thực tế, trong mùa hạn năm 2016, trên cùng một điều kiện thổ nhưỡng như nhau thì giống tốt sẽ chịu hạn, kháng sâu bệnh tốt hơn so với giống cũ, vì thế nông dân có thể thay thế giống cà phê thông qua phương pháp ghép cải tạo hoặc tái canh để nâng cao chất lượng vườn cây. Đây là giải pháp nhanh nhất để cùng lúc nâng cao chất lượng cà phê đồng loạt, ổn định và bền vững.
Song song với đó, việc thu hoạch, sơ chế, bảo quản cà phê sau thu hoạch của người dân cũng nên tuân theo khuyến cáo của các ngành chức năng: thu chín, phơi trên sân xi măng, bảo quản trong nhà kho đúng chuẩn để tránh ẩm mốc, mối mọt… Đặc biệt là nông dân nên chuyển từ tập quán hái tuốt một đợt sang thu hoạch từ 2-3 đợt để giảm áp lực nhân công và bảo đảm chất lượng, hạn chế cà phê chín nẫu, khô hay hái lẫn quả xanh, chỉ đợt cuối cùng mới hái toàn bộ, lúc đó cà phê không còn xanh non nữa và cũng không phải tốn kém nhiều sân phơi như khi thu hái đồng loạt. Còn với các nông hộ, khi chế biến khô cần có hệ thống sân phơi phù hợp, không phơi trên sân đất làm ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị cà phê, không phơi quá dày để tránh nấm mốc, tạp chất.
Những năm gần đây, việc đầu tư các nhà máy chế biến ướt thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao chất lượng ngày càng được chú trọng. Phương pháp này đòi hỏi cà phê đạt tỷ lệ chín tươi trên 90% nên sau thu hoạch, nông dân phải vận chuyển cà phê nhanh chóng về nơi chế biến bằng phương tiện vận chuyển sạch, không có mùi thuốc trừ sâu, phân bón… đã từng bước nâng cao chất lượng cà phê.
Hướng đến hàng cà phê có giá trị gia tăng cao
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng ngành cà phê phát triển bền vững, sản phẩm cà phê có chứng chỉ đạt 80% nên những năm gần đây việc phát triển cà phê theo Bộ Nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê 4C, UTZ, FLO, RFA… đang được các hộ nông dân thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, sự phối hợp giữa nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê lớn như Vinacafé, Nettles, Công ty TNHH MTV XNK 2-9… thông qua các lớp tập huấn sản xuất cà phê bền vững và liên kết thu mua cà phê đã từng bước đưa cà phê lên nấc thang mới, đáp ứng xu thế tiêu dùng cà phê có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) chia sẻ, trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê thì khâu sản xuất chỉ chiếm khoảng 10% giá trị toàn cầu, vì thế cà phê Việt Nam cần tăng năng suất, tăng giá trị bằng cách chế biến các sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê mang chỉ dẫn địa lý của từng vùng miền như cà phê chồn, cà phê voi, cà phê Điện Biên, cà phê Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ (Đắk Lắk), Cầu Đất (Đà Lạt)…
Đặc biệt, trong các đàm phán thương mại mới, đoàn đàm phán của Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thuế nhập khẩu cà phê chế biến từ 0-5% nên nhiều doanh nghiệp trong nước đang từng bước mở rộng quy mô chế biến sâu như Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (Đồng Nai), Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển cà phê An Thái, Công ty TNHH MTV XNK 2-9 (Đắk Lắk)… Điều đáng mừng là xuất khẩu cà phê chế biến trong niên vụ 2015-2016 chiếm trên 10% và xu hướng ngày càng tăng trong niên vụ mới. Điều này không chỉ phù hợp với cơ chế, chính sách mà còn là hướng đi tất yếu trong tương lai. Sản phẩm cà phê Việt Nam hiện đã có mặt trên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam đã và đang nỗ lực chuyển ngành cà phê sang giai đoạn mới, nâng cao giá trị sản xuất và xuất khẩu ngành lên 5-6 tỷ USD.
Là thủ phủ cà phê của cả nước, Đắk Lắk hiện có hơn 203.000 ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt 454.000 tấn. Định hướng đến năm 2020 ổn định 180.000 ha, trong đó 80% diện tích được áp dụng cà phê bền vững, 80-85% sản lượng cà phê thu hái, phơi sấy và bảo quản đúng quy trình, 100% cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tỷ lệ chế biến sâu đạt trên 10-15%.
Nguồn: baodaklak.vn