Giá giảm tại Indonesia, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chậm lại

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), vụ thu hoạch tại Indonesia đã kéo giá cà phê giảm ở đó, trong khi thị trường Việt Nam vẫn trầm lắng trong bối cảnh nguồn cung thấp và lượng lưu kho ít.

gia-giam-tai-indonesia-xuat-khau-ca-phe-cua-viet-nam-cham-lai

Theo đó, các thương nhân tại Indonesia đã chào giá robusta loại 4, 80% hạt đen vỡ ở mức trừ lùi 25 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn ICE, London, nới rộng hơn so với mức trừ lùi 5 – 10 USD/tấn một tuần trước do việc thu hoạch đang tăng nguồn cung.

Một thương nhân cho biết “giao dịch trong nước là tốt và đang tăng khối lượng”, bổ sung rằng xuất khẩu là yếu trong bối cảnh giá không rõ ràng tại thị trường hàng hóa toàn cầu.

Tại Việt Nam, nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, nông dân đã tăng giá trong nước lên 47.300 – 48.000 đồng/kg ở Đắk Lắk, tỉnh trồng cà phê lớn của đất nước, do tồn kho thấp. Theo ông Phan Hùng Anh – Phó Giám đốc công ty Anh Minh, các nhà xuất khẩu chỉ mua từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó, trong khi nhu cầu từ các nhà nhập khẩu trên thế giới với cà phê Việt Nam là thấp do các vụ thu hoạch tại Indonesia và Brazil.

Xuất khẩu cà phê của Indonesia trong tháng 2 tăng vọt 45% so với năm trước, sau khi tăng 37% vào tháng trước đó. Trong khi đó, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1 năm nay được ước tính giảm 1,6% so với một năm trước xuống 467.000 tấn, trong khi các thương nhân dự đoán xuất khẩu tháng 4 giảm xuống 100.000 – 130.000 tấn.

Các thương nhân tại Việt Nam đã chào cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ thấp hơn giá hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE London 20 – 30 USD/tấn, mức trừ lùi tuần trước là 35 – 50 USD/tấn.

Một thương gia tại TPHCM nói “thật khó để đạt được thỏa thuận ở mức giá đó; người mua cho biết vẫn quá đắt … Phải có sự nhảy vọt giá ở London để thị trường Việt Nam mạnh trở lại”.

Nguồn: cafef.vn

Trả lời