Cà phê Việt Nam yếu thế so với đối thủ ngoại

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tổng mức tiêu thụ cà phê tại Việt Nam trong năm 2011 ước tính đạt 1.583 triệu bao, loại 60 ký, tăng trưởng trong khoảng 13 đến 18% một năm. Mức tiêu thụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng với tỉ lệ này vào những năm tiếp theo.

Theo dự đoán ban đầu trong Báo cáo Thị trường hằng năm (Marketing Year – MY) 2013/2014 của Sở Nông nghiệp Mỹ (USDA), mức tiêu thụ nội địa Việt có thể đạt 2 triệu bao, tương đương 120.000 tấn, tăng 10% so với năm ngoái.

Nghiên cứu và khảo sát thị trường nội địa cho thấy việc tiêu thụ cà phê có thể được chia thành 2 nhóm: khoảng 2/3 là cà phê rang xay và 1/3 là cà phê uống liền. Mức tiêu thụ cà phê uống liền tiếp tục góp phần quan trọng trong tổng mức tiêu thụ cà phê chung tại Việt Nam, với những thương hiệu quen thuộc như G7, Vinacafe và Nescafe.

Văn hóa cà phê và hệ thống những quán cà phê bán lẻ cũng tiếp tục được mở rộng tại Việt Nam, trong đó thương hiệu Việt nổi nhất là Trung Nguyên với hàng loạt chuỗi cửa hàng ở các đô thị lớn. Có thể kể thêm tên Milano vào bởi thương hiệu nội địa này phát triển khá nhanh. Cửa hàng cà phê mang đi Milano đầu tiên được mở vào tháng 9/2011 và nay đã mở rộng thành hệ thống khoảng 200 cửa hàng trên cả nước.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Trung Nguyên hay Milano khó thể sánh về đẳng cấp và sự phổ biến nhanh chóng của các thương hiệu như Highlands, Gloria Jeans, The Coffee Bean… đang hút hồn giới doanh nhân và giới trẻ Việt Nam. Mới đây, đầu năm 2013, Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, tạo nên một làn sóng “Starbucks style” lớn chưa từng có. Do đặt cửa hàng ở những vị trí đắc địa, bài trí hiện đại, phong cách ngược với Trung Nguyên bị nhiều người cho rằng khá trầm mặc, Starbucks trở thành địa chỉ thường xuyên của giới trẻ, giới doanh nhân tới bàn bạc công việc, thư giãn và chụp hình “tự sướng”.

Nhìn vào sự “chìm nghỉm” của hai thương hiệu đồ uống có tiếng Việt Nam, ai mà không buồn, không xót…

Trích đăng từ: Congluan.vn

Trả lời