Đã mấy năm nay, những động thái lạ đời trên thị trường cà phê làm hoang mang dư luận và thị trường cà phê đời nay dường như không còn theo cách hiểu cũ.
Trong điều kiện bình thường của một thị trường hàng hóa, lẽ ra xuất khẩu tăng mạnh, giá phải giảm; hay tồn kho tại các nước tiêu thụ tăng cao, giá phải xuống… Thị trường cà phê hình như không thích theo cái trật tự ấy.
Nếu không phát hiện hay nhận chân ra điều đó để có những phản ứng kịp thời, người tham gia thị trường ắt gặp những khó khăn lớn, có thể đưa đến thất bại.
Giá tăng vì thế giới thiếu cà phê?
Các sàn kỳ hạn cà phê trong những ngày này khá rạo rực vì giá lên mạnh. Chỉ trong bốn tháng đầu năm, lợi suất đầu tư trên ba sàn kỳ hạn cà phê lớn nhất của thế giới đều tăng cực mạnh, như New York (Mỹ) tăng 83,4%, Sao Paulo (Brazil) tăng 79,7% và London (Anh Quốc) tăng 28,6%. Trong 36 sàn giao dịch được chọn lọc trên thị trường tài chính thế giới, ba sàn cà phê nằm trong tốp 5 sàn có lợi suất tăng cao nhất.
Một đợt hạn hán ngay từ đầu năm đến hết tháng 3-2014 tại Brazil đã biến các sàn cà phê thành cái “đòn bẩy” nâng giá cà phê. Thật vậy, so với ngày cuối năm 2013, đến cuối tháng 4-2014, giá kỳ hạn robusta London từ 1.683 lên 2.168 đô la Mỹ/tấn, tăng 485 đô la; sàn arabica New York tăng tới gần 2.100 đô la/tấn. Còn giá cà phê nội địa tại nước ta trong cùng kỳ cũng tăng 8.000 đồng/ki lô gam, từ 33.500 đồng lên 41.500 đồng.
Lạ lùng là giá cao, xuất khẩu mạnh, nhưng giá vẫn càng lên cao. Chỉ riêng tháng 3-2014, xuất khẩu cà phê nước ta đạt gần 278.000 tấn, là tháng có mức xuất khẩu cao nhất trong mọi thời đại và chưa có nước nào có lượng xuất khẩu lớn đến thế. Theo Tổng cục Thống kê, trong bốn tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cà phê nước ta đạt 822.400 tấn, lũy kế bảy tháng đầu niên vụ tính từ ngày 1-10-2013 đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, so với cùng kỳ cách đó một năm chỉ 980.000 tấn.
Con số xuất khẩu cà phê toàn cầu được Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cập nhật tổng lượng sáu tháng đầu niên vụ đến hết tháng 3-2014 đạt trên 53 triệu bao (60 ki lô gam/bao), trong đó riêng tháng 3-2014 đạt 10,34 triệu bao. Cho đến nay, những con số xuất khẩu trên vẫn chưa nói được rằng thế giới sẽ thiếu cà phê; con số xuất khẩu nói trên là vừa đủ nếu không muốn nói là nhỉnh hơn đôi chút so với nhu cầu.
Tồn kho cà phê rục rịch tăng
Tuy thống kê xuất khẩu trong bảy tháng đầu niên vụ của nước ta lớn như thế, hàng xuất thẳng chỉ đạt chừng 800.000 tấn. Số 300.000 tấn còn lại đang nằm trong các kho ngoại quan và nội địa.
Hóa ra, trước đây, giá xuất khẩu tính theo mức chênh lệch giữa giá niêm yết sàn kỳ hạn và giá FOB (giao hàng qua lan can tàu ở cảng nước xuất khẩu) quá cao, với mức cộng hay bằng giá sàn giao dịch đã cản trở sức mua của các hãng kinh doanh. Hiện nay, giá xuất khẩu loại 2,5% đen bể đang quanh mức trừ 80 đến trừ 110 đô la/tấn, là mức khả dĩ đủ để người mua mạnh tay mua vào.
Nói vậy để biết rằng trong 1,1 triệu tấn bán ra trong bảy tháng qua, thực chất chỉ xuất đi trực tiếp chừng 800.000 tấn; tổng tiêu thụ thực tế của hàng cà phê nước ta chỉ chừng 840.000 tấn hay 120.000 tấn/tháng.
Số 300.000 tấn còn lại vẫn còn được giấu kín, chưa bán, đang và sẽ được tranh thủ xuất sang sàn kỳ hạn robusta để kịp thời lấy giấy chứng nhận đạt chất lượng.
Báo cáo thường kỳ ra hai tuần một lần của sàn robusta Ice Liffe, London, cho biết, tính đến hết ngày 28-4, tồn kho đạt chuẩn Liffe lên mức 16.170 tấn, tăng 2.310 tấn. Tuy nhiên, so với cách nay một năm, mức này giảm 87%, bấy giờ là 126.250 tấn.
Theo một nhà phân tích thị trường tại TPHCM, đây chỉ mới là bước đầu. “Tồn kho thuần robusta sắp tới sẽ tiếp tục tăng mạnh”, ông quả quyết.
Tồn kho tăng, giá cà phê không giảm?
Tính đến ngày 30-4, tồn kho thuần arabica thuộc sàn Ice New York đạt 2.572.323 bao tức 154.339 tấn. Thời giá arabica là 4.500 đô la/tấn. Tổng giá trị tồn kho arabica chừng 695 triệu đô la. Với robusta, khỏi tính tồn kho thuần robusta đang nằm tại các kho Liffe, chỉ cần tính 300.000 tấn tồn kho đang “ém” tại các kho ở nước ta với thời giá 2.168 đô la/tấn, tổng giá trị tồn kho robusta chừng 650 triệu đô la. Các đại gia tài chính đã đổ gần 1,35 tỉ đô la vào mua cà phê hàng thực (physical). Đó là chưa tính được lượng tiền đổ vào thị trường kỳ hạn hàng giấy (paper market).
Liệu họ sẽ đánh sập giá cà phê nay mai? Không, chẳng ai dại gì mua hàng giá cao để rồi bán hạ giá. Tồn kho bây giờ lại chính là cái đòn bẩy để đưa giá lên cao hơn.
Theo Nguyễn Quang Bình (SGtimes)