Trong tuần 47, giá cà phê Robusta giảm 4 USD/tấn, tương đương giảm 0,19 % , giá cà phê nhân xô giảm 300 đồng/kg, tương đương giảm 0,73 % trong khi giá cà phê Arabica giảm 3 cent/lb, tức giảm 1,58 %.
USD tiếp tục mạnh lên trong rổ tiền tệ là yếu tố bất lợi cho hầu hết hàng hóa trên thị trường được trao đổi bằng đồng tiền này vì giá cả sẽ trở nên đắt đỏ hơn, trong đó có cà phê.
Dự báo thời tiết tại Brazil cho biết các vùng trồng cà phê chính của nước này sẽ có mưa đáng kể trong tuần này. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi nhiều về dự đoán sản lượng cà phê vụ tới. Hiện có nhiều dự báo khác nhau về sản lượng cà phê vụ 2015 của Brazil, một số cho rằng sản lượng chỉ đạt 43-45 triệu bao, trong kho số khác lại cho rằng có thể lên đến 50 triệu bao.
Volcafe và E D & F Man đã hạ dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ mới, từ 30 triệu bao dự báo trước đây xuống 27,4 triệu bao, đồng thời xác định sản lượng cà phê vụ vừa qua của Brazil đạt 47 triệu bao. Với những yếu tố này, thiếu hụt cà phê trong năm cà phê 2014-2015 dự đoán sẽ đạt xấp xỉ 10 triệu bao. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng có khoảng 11 triệu bao tồn kho từ hai vụ trước sẽ bù đắp phần nào sự thiếu hụt này.
Việt Nam là nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới, nhưng theo Volcafe và ED & F Man, thời tiết khắc nghiệt và các thứ bệnh dường như đã đẩy thị trường cà phê Robusta thiếu hụt khoảng 3 triệu bao.
Trong bản báo cáo Quý mới đây về nguồn cung và nhu cầu cà phê, Volcafe nhận định sản lượng Robusta cho niên vụ 2014-15 sẽ giảm 4,5% so với năm trước, xuống còn 66,3 triệu bao. Trong khi đó, sức tiêu thụ vốn tăng vọt trong vài năm trở lại đây, lại tăng thêm 2,8% lên 69,3 triệu bao.
Trong tháng 11-2014, giá Robusta thấp nhất ở mức 2.007 đô la/tấn và cao nhất 2.099 đô la/tấn, dao động không nhiều. nhiều người nhận định giá nội địa ở mức ấy là cao nhưng giao dịch mua bán lại không mấy nhộn nhịp. Tổng cục Thống kê ước tính trong hai tháng đầu vụ, nước ta chỉ xuất khẩu chừng 190.800 tấn cà phê, trong đó tháng 11-2014 đạt 95.000 tấn.
Cơ cấu giá các kỳ hạn giao dịch tháng 11-2014, tháng 1 và 3-2015 không chênh lệch nhiều, trái với điều kiện bình thường, giá kỳ hạn các tháng sau thường cao hơn tháng trước chừng từ 20-30 đô la/tấn.
Hiện tượng này nghĩa là nếu bán hàng giao ngay, sẽ được hưởng giá cao; còn bán hàng giao càng xa, như tháng 5 hay tháng 7 năm 2015 chẳng hạn, sẽ chịu giá thấp hơn. Đây là một nghịch lý vì đáng lẽ giao xa, lô cà phê phải được cộng thêm chi phí tài chính, lưu kho, hao hụt… Người mua kẻ bán khó gặp nhau trong giai đoạn giá được cho là khá thuận lợi cả trên sàn kỳ hạn lẫn tại thị trường nội địa. Người bán đòi giá giao xa cao hơn, nhưng người mua chỉ trả giá cao cho hàng giao ngay, còn giá giao xa phải thấp hơn.
Trong khi đó, niên vụ cà phê Arabica mới ở các nước Trung Mỹ đang bước vào thu hoạch, điển hình là Colombia. Chất lượng cà phê Arabica chế biến ướt vụ này dư sức thỏa mãn nhu cầu thị trường. Hơn thế nữa, nguồn cung Robusta từ các nước Ấn Độ, Uganda và Indonesia cũng đầy hứa hẹn.