Sáng nay (9/1), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã đảo chiều giảm 200.000- 300.000 đồng/tấn xuống còn 40,1 – 40,9 triệu đồng/tấn.
Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB giảm 11 USD/tấn từ 1.920 USD/tấn xuống còn 1.909 USD/tấn.
Giá cà phê trên thị trường kỳ hạn ICE Europe và ICE New York diễn biến trái chiều.
Thị trường London: Giá cà phê Robusta các kỳ hạn đảo chiều giảm 8-26 USD/tấn.
- Kỳ hạn tháng 1/2015, giá giảm 26 USD/tấn (-1,34%) xuống 1935 USD/tấn.
- Kỳ hạn tháng 3/2015, giá giảm 11 USD/tấn (-0,56 %) xuống 1969 USD/tấn.
- Kỳ hạn tháng 5/2015, giá giảm 10 USD/tấn (-0,5 %) xuống 1993 USD/tấn.
Thị trường New York: Giá cà phê Arabica các kỳ hạn vẫn tăng thêm 1,70 – 1,85 cent/pound.
- Kỳ hạn tháng 3/2015, giá tăng 1,85 cent/pound (1,05 %) lên 176,90 cent/pound.
- Kỳ hạn tháng 5/2015, giá tăng 1,80 cent/pound (1,00 %) lên 179,55 cent/pound.
Tồn kho có chứng nhận trên sàn ICE New York thứ Năm, 8/1, giảm từ 2.293.869 bao xuống còn 2.290.274 bao; trên sàn ICE London thứ Năm, 8/1 tăng từ 126.580 tấn lên 130.280 tấn.
Quỹ chỉ số cà phê Arabica đã bán ra trị giá đến 1,2 tỷ USD, tuy nhiên giá giao tháng 3/2015 lại tăng 1,05% lên 176,90 cent/pound. Người ta cho rằng các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về tình hình thời tiết tại Brazil, khi mà khô hạn có dấu hiệu quay trởi lại, gợi nhớ về tình hình một năm trước đây, kỳ hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất.
Jack Scoville, làm việc tại cơ quan Price Futures cho biết: “Cũng không hẳn là khô hạn hoàn toàn tại Brazil, nhưng một hai tuần tới lượng mưa trung bình thấp hơn mức bình thường.”
Hiệp hội Nông dân trồng Cà phê tại Colombia vừa báo cáo sản lượng cà phê tháng 12 trên cả nước đạt 1.086.000 bao, giảm 29.000 bao, tương đương 2,6% so với tháng 12/2013. Sản lượng lũy kế 3 tháng đầu niên vụ 10/2014- 9/2015 đạt 3.302.000 bao, tăng 16.000 bao, tương đương 0,49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ quan này cũng công bố xuất khẩu cà phê cả nước trong tháng 12 đạt 1.061.000 bao, tăng 51.000 bao, tương đương 5% so với tháng 12/2013. Xuất khẩu lũy kế 3 tháng đầu niên vụ 10/2014- 9/2015 đạt 3.094.000 bao, tăng 56.000 bao, tương đương 1,87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng cà phê Arabica chế biến ướt tại Mexico và các nước Trung Mỹ dự đoán sẽ tăng 1,4 triệu bao trong niên vụ đang thu hoạch này. Peru cũng tăng sản lượng lên xấp xỉ 0,7 triệu bao, vụ mới tại nước này sẽ bắt đầu vào tháng 5 và vì thế, thị trường tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn cung cà phê Arabica chế biến ướt dài hạn tại các nước Mỹ La Tinh.
Nhưng điều đáng nói là mặc dù sản lượng Arabica ướt tăng, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại các thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ, cũng như Nhật và Úc lại không có dấu hiệu tăng theo, có thể dẫn đến dư thừa cung trong thời gian tới.