Tuần vừa qua, thị trường cà phê được chứng kiến những phiên giá lên xuống thất thường, kèm theo hàng loạt thông tin trái chiều về con số dự đoán sản lượng của các nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.
Tính chung cả tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng 4 USD/tấn (0,19%), giá cà phê nhân xô trong nước không thay đổi trong khi giá cà phê Arabica kỳ hạn trái chiều, giảm 2,35 cent/lb (1,22 %).
Giá kỳ hạn Arabica sàn New York rớt mạnh khi báo cáo của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lan truyền trên thị trường. Theo đó, sản lượng dự báo của Brazil tăng 1,7 triệu bao lên 51,2 triệu bao, tính cả Robusta, hơn nhiều so với con số dự báo trung bình 40 triệu bao vẫn được các giới bình luận sử dụng phân tích.
USDA cũng thay đổi dự báo sản lượng cà phê của Colombia niên vụ này đạt 12,3 triệu bao từ báo cáo cũ chỉ 11,9 triệu bao. Dự kiến nước này sẽ xuất khẩu 11,3 triệu bao, chủ yếu cà phê Arabica chế biến ướt.
Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) nhấn mạnh rằng nguồn cung từ Brazil vẫn ổn định, ngay cả khi bị hạn hán và khan hiếm mưa đe dọa. ICO cho biết: “Bất chấp khô hạn, sản lượng cà phê xuất khẩu của Brazil sẽ tiếp tục cao hơn năm ngoái.”
Tuy nhiên, Commerzbank cho biết, con số ước tính của USDA cao hơn hầu hết các dự báo trên thị trường khi chỉ dự báo chưa đến 50 triệu bao, trong khi bản thân cơ quan Conab của Brazil cũng chỉ dự báo sản lượng đạt 45,1 triệu bao.
Volcafe cũng nâng dự báo thiếu hụt cà phê toàn cầu thêm 1 triệu bao lên 10 triệu bao trong năm nay.
Người nói cao, kẻ bảo thấp làm giá cà phê tiến thoái lưỡng nan. Sự thật sẽ chỉ lộ ra khi có con số báo cáo xuất khẩu chính thức. Nhưng những người trồng cà phê vẫn có nhiều hy vọng vào một thị trường cà phê hứa hẹn tăng mạnh về nhu cầu. Mới đây, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo rằng giới trẻ tại các nước mới nổi như Trung Quốc và Nga càng ngày càng thích uống cà phê. Nhờ vậy, tiêu thụ cà phê mỗi năm sẽ tăng 2,5%. Đến năm 2020, thế giới có thể cần đến 175 triệu bao so với mức tiêu thụ trong năm 2014 này chừng 149,45 triệu bao.