Giá cà phê hôm nay 16/1 không có nhiều biến động, chưa thể bật lên mốc 37.000 đồng/kg, vẫn giữ mức giao dịch từ 36.100 – 36.8000 đồng/kg. Giá tiêu giao dịch ở mức 60.000 – 62.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tại một số địa phương, hồ tiêu không chỉ rớt giá mà năng suất cũng giảm từ 30% đến 40% do sâu bệnh.
>> Xem giá cà phê hôm nay cập nhật
Nguồn cung dồi dào, áp lực giảm lên giá cà phê tăng
Giá cà phê hôm nay 16/1 không có nhiều biến động. Hiện giá cà phê hôm nay được thu mua trong khoảng 36.100 – 36.800 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nông dân vẫn đang trữ hàng không bán ra để chờ giá lên cao hơn. Các nhà xuất khẩu cũng không dám ký kết nhiều hợp đồng bán cà phê vụ mới khi nguồn hàng cung ứng cho họ từ các thương nhân nội địa vẫn còn hạn chế. Nên giá cà phê trên thị trường vẫn trụ vững dao động ở mức 36.100 – 36.800 đồng/kg nhiều ngày nay.
Theo Commerzbank, tình hình nguồn cung cà phê càng dồi dào hơn khi Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nâng dự báo dự trữ cho cả niên vụ hiện tại và niên vụ trước. ICO vừa nâng ước tính thặng dư cà phê toàn cầu thêm 94.000 bao lên 1,18 triệu bao trong niên vụ 2017 – 18, chủ yếu phản ánh mức sản lượng cà phê toàn cầu cao kỷ lục 158,8 triệu bao. Đối với năm 2016 – 17 kết thúc vào tháng 9/2017, ICO cũng nâng ước tính thặng dư cà phê thêm 257.000 bao nữa lên 2,63 triệu bao. Dự báo nguồn cung cà phê Robusta cải thiện gây áp lực lên giá, khiến giá cà phê Robusta trên thị trường quốc tế giảm trong tháng 12/2017. Chỉ số giá cà phê Robusta do ICO tính toán giảm 4,1% xuống mức thấp nhất trong 18 tháng. Giá nhìn chung giảm nhưng giá cà phê Arabica giảm với mức độ nhẹ hơn, chỉ 2,8%.
Vụ trước, sản lượng robusta Brazil đã giảm xuống thấp nhất 7 năm vì thời tiết nắng nóng và khô hạn ở Espirito Santo, nơi trồng cà phê robusta chủ chốt của Brazil. Như vậy, tổng sản lượng cà phê Brazil ước tính sẽ giảm 4,9 triệu bao xuống 51,2 triệu bao. Với mức tiêu thụ nội địa dự đoán tăng lên kỷ lục cao 22,2 triệu bao, tồn trữ cuối vụ sẽ giảm 1/3 xuống chỉ 2,6 triệu bao, kết quả là xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 5 năm.
Sản lượng của Việt Nam được USDA dự báo sẽ tăng 3,2 triệu bao lên kỷ lục 29,9 triệu bao nhờ thời tiết thuận lợi. Mặt khác, giá cà phê cao trong vụ trước cũng giúp người trồng cà phê có điều kiện tài chính để tăng đầu tư cho cây, làm tăng năng suất. Diện tích trồng cà phê Việt Nam niên vụ này dự báo sẽ tương tự như vụ trước, với trên 95% sản lượng vẫn là robusta. USDA dự báo cả năng suất tăng, nguồn cung, xuất khẩu và tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam sẽ đều tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta tăng ở tất cả các kì hạn. Kỳ hạn giao ngay tháng 3/2018 giảm 1 USD, lên 1.729 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao tháng 5/2018 tăng thêm 1 USD, lên 1.725 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7/2018 tăng thêm 1 USD, lên 1.755 USD/tấn. Trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2018 giảm thêm 0,55 cent, còn 112,25 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2018 giảm thêm 0,55 cent, còn 124,7 cent/lb.
Giá tiêu giảm sâu, nông dân còn đau đầu vì sâu bệnh
Giá tiêu hôm nay 16/1 trong nước hôm nay vẫn đi theo xu hướng giảm diễn ra trong suốt tuần này. Giá tiêu hôm nay đang được giao dịch trong khoảng 60.000 – 62.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa – Vũng Tàu với 62.000 đồng/kg; thấp nhất là ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai với 60.000 đồng/kg.
Tại một số địa phương, như Bà Rịa – Vũng Tàu, hồ tiêu không chỉ rớt giá mà năng suất cũng giảm từ 30% đến 40%. Nguyên nhân được cho là do năm nay thời tiết bất thường, mưa nhiều, khiến độ ẩm tăng cao, hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đến năm 2020, quy hoạch diện tích hồ tiêu toàn tỉnh này là 7.000 ha, sản lượng tiêu khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa. Nhưng hiện nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lên tới hơn 13.000 ha, gần gấp đôi so với quy hoạch. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu giảm sâu do cung vượt cầu.
Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, một trong những biện pháp để người trồng tiêu không còn đối mặt với tình trạng giá thấp, thua lỗ chính là hướng tới tập trung, tuyên truyền hướng dẫn người dân canh tác theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các nước trong đó chủ yếu là hạn chế thành phần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Năm nay giá xuất khẩu hạt tiêu sụt giảm rất mạnh, nên kim ngạch xuất khẩu sang hầu như tất cả các thị trường đều bị sụt giảm so với năm 2016, kể cả các thị trường có lượng xuất khẩu tăng mạnh; trong đó các thị trường giảm mạnh là: Ba Lan (giảm 31% về lượng và giảm 55% về kim ngạch); Singapore (giảm 28% về lượng và giảm 52% về kim ngạch); Bỉ (giảm 41% về lượng và giảm 53% về kim ngạch); Philippines (giảm 45% về lượng và giảm 71% về kim ngạch).
Chỉ duy nhất có thị trường Thổ Nhĩ Kỳ là đạt được mức tăng cả về lượng và kim ngạch, với mức tăng tương ứng 83% và 23% so với năm 2016.
Nguồn: danviet.vn