Không ai chối cãi giá cà phê mấy bữa nay tăng cực mạnh là do có tin hạn hán tại Brazil. Giá cà phê nước ta nhờ vậy mà khởi sắc từ Tết Nguyên đán đến nay.
Thời tiết thường quyết định giá nông sản, nhưng đằng sau những tin đồn “mưa nắng” ấy, đâu là phần thật, đâu là giả?
Brazil hạn hán
Từ đầu năm 2014 đến gần đây, một đợt hạn hán “nghiêm trọng” chưa từng có từ nhiều thập kỷ đang hoành hành tại các vùng cà phê ở Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng đầu thế giới. Đó là những thông tin hàng ngày mà giới kinh doanh mặt hàng nông sản này nhận được từ nhiều nguồn.
Như đến tuần trước, nhiều báo cáo thị trường của giới chuyên nghiệp lấy tin từ các cơ quan khí tượng thủy văn cho rằng trong vòng từ 1-2 tuần tới, tại các vùng trọng điểm cà phê Brazil, lượng mưa ít và nắng nóng, nhiệt độ cao trên mức bình thường. Đây chính là tin buồn cho nông dân nước sở tại và các hãng rang xay, nhưng lại là tin vui cho các nước sản xuất cà phê khác, đặc biệt là các quỹ đầu cơ tài chính.
Thật vậy, đối với cà phê arabica, đến nay, giá kỳ hạn Ice New York đang ở quanh mức 205 cts/lb (xu/cân Anh), tăng hơn gấp đôi so với những ngày đầu tháng 11-2013; giá kỳ hạn robusta London gần chạm mức 2.200 đô la Mỹ/tấn, tăng trên 700 đô la so với cùng kỳ!
Đầu cơ làm giá?
Thoạt nghe thông tin thị trường, nhiều người đoan chắc hạn hán khốc liệt lắm. Nhưng thị trường chỉ phản ánh đúng phần nào thực tế.
Nhiều nhà phân tích thị trường vẫn đắn đo và tin rằng nhịp độ tăng trên các sàn kỳ hạn là “thái quá”. Các chuyên gia cà phê tại Commerzbank cho rằng giá tăng mấy tuần nay là “quá tay”, còn đồng nghiệp của họ tại Macquarie thì nói các quỹ đầu cơ mua mạnh hay đặt cược “quá mức” vào các sàn cà phê.
Đối với những nhà kinh doanh thận trọng với các hoạt động đầu cơ, nhận định trên không phải là không có lý.
Yếu tố đầu cơ khuynh loát thị trường cà phê, đặc biệt trên sàn arabica tại Mỹ, thật ra lộ diện mười mươi nhưng ít ai để ý. Dư luận thị trường tại nhiều nước sản xuất cà phê, như ngay tại nước ta, vẫn bị cuốn theo “thời tiết”, đơn giản vì “giá tăng, có lợi là được”. Nhưng biết đâu các lập luận làm cho thị trường cuốn theo tin thời tiết, đôi khi là ý đồ được các quỹ đầu cơ bày ra để “đục nước béo cò”.
Đầu cơ đang nắm trong tay hàng thực (physical coffee) chủ động bơm giá tăng để tăng giá trị tồn kho, nhằm bán ra kiếm lời to. Tồn kho arabica được sàn kỳ hạn Ice New York xác nhận chất lượng (certs) tính đến cuối năm 2013 quanh mức 165.000 tấn. Giả sử bình quân giá kỳ hạn loại này bấy giờ chừng 2.650 đô la Mỹ/tấn, tổng giá trị tồn kho này là 437,25 triệu đô la. Hiện nay, tồn kho loại này đang còn chừng 155.000 tấn và chỉ khoảng 4.520 đô la/tấn để làm cơ sở tính toán. Tuy đã giảm 10.000 tấn, giá trị tồn kho nay lên đến 700,6 triệu đô la. Chỉ trong hơn hai tháng, nhờ bơm giá trên sàn kỳ hạn thông qua “thiên thời”, họ đã có món lời trên 263 triệu đô la. Vậy nên vừa qua, giá kỳ hạn arabica không tăng nhanh mới lạ!
Hạn hán thường làm giảm sản lượng cho những tháng sau, nên giá tháng càng xa độ vênh càng lớn, tức giá tháng sau phải cao hơn nhiều so với tháng giao dịch hiện nay trên các sàn kỳ hạn. Nếu trên sàn Mỹ, giá tháng gần thấp hơn giá tháng giao dịch xa từ 3-5 cts/lb, ấy mới thể hiện hết tính trầm trọng của hạn hán. Trong khi đó, tuy được báo là hạn hán khốc liệt nhưng ngày 13-3-2014, giá đóng cửa kỳ hạn arabica New York tháng 12-2014 cao hơn tháng 9-2014 là 2,05 cts/lb và tháng 3-2015 cao hơn tháng 12-2014 chỉ 1,75 cts/lb. Hết sức bình thường!
Mặt khác, hình như nông dân Brazil phản ứng với hạn hán hết sức “vô cảm” vì họ chẳng cần giữ hàng lại. “Nông dân Brazil vẫn bán tì tì như không có gì xảy ra”, một nhà phân tích tại TPHCM vừa cười vừa giải thích. Thật vậy, Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) cho biết trong tháng 2-2014, xuất khẩu nước này tăng 24% so với lượng 2,211 triệu bao cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, arabica tăng 23% đạt 2,372 triệu bao; robusta tăng 273% đạt 143.276 bao; cà phê rang xay giảm 3,5% đạt 1.617 bao và cà phê hòa tan giảm 3,4% đạt 228.876 bao. Cecafe còn ước xuất khẩu cà phê Brazil trong năm 2014 sẽ tăng chừng 6% so với năm ngoái, đạt khoảng 33 triệu bao.
Như vậy, phản ứng của thị trường và cách đối xử của nông dân Brazil đối với hạn hán đặt ra cho các nhà kinh doanh nhiều nghi vấn: liệu hạn hán có trầm trọng đến mức như dư luận nói không, sản lượng vụ tới và tồn kho vụ cũ đem sang có cạn kiệt đến nỗi thiếu hụt cà phê cho năm tới không?
Đối với một nước xuất khẩu cạnh tranh với Brazil, giá càng tăng càng tốt. Giá càng tăng, tranh thủ bán ra để hưởng giá tốt là một chọn lựa tối ưu.
Theo Nguyễn Quang Bình (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
* Tiêu đề “Giá cà phê tăng: Thời tiết có phải là nguyên nhân chính?” do CapheVietnam.com đặt