Giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 32.000 – 33.000 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với phiên giao dịch hôm qua.
>> Xem giá cà phê hôm nay cập nhật
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 21/3, giá cà phê nguyên liệu tại khu vực miền Nam và Tây Nguyên giảm 300 đồng/kg so với phiên hôm qua. Theo đó giá cà phê trực tuyến dao động từ 32.000 – 32.800 đồng/kg.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) ở mức 32.000 đồng/kg, giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà thấp đang có giá 31.900 đồng/kg. Trong khi đó giá cà phê hôm nay tại huyện Cư M’gar (ĐắkLắk), Ea H’leo (ĐắkLắk) dao động trong khoảng 32.400 – 32.800 đồng/kg.
Tại huyện Buôn Hồ giá cà phê ở mức 32.500 đồng/kg. Giá cà phê tại Ia Grai – Gia Lai hôm nay đứng ở mức 32.700 đồng/kg. Tương tự giá cà phê tại Đắk Hà, Kon Tum và Gia Nghĩa (Đắk Nông) đang có giá 32.600 đồng/kg, Thời báo chứng khoán Việt Nam đưa tin.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London giảm mạnh. Giá cà phê robusta kỳ hạn tại London đang giảm, với giá hợp đồng giao tháng 3/2019 giảm 13 USD (mức giảm 0,86%) đứng ở mức 1495 USD/tấn. Trong khi tại New York, giá cà phê arabica tháng 3/2019 giảm 1,9 USD (mức giảm 1,97%) đứng ở mức 94,75 cent/lb.
Trên thị trường thế giới, cuối phiên giao dịch hôm 8/3, giá cà phê robusta giao trong tháng 5/2019 trên sàn London giảm 0,6% xuống mức 1.499 USD/tấn. Giá cà phê arabica giảm 2,1% xuống 94,6 UScent/pound.
Theo Hiệp hội Cà phê quốc gia Hoa Kỳ (NCA), có tới 63% người trưởng thành tiêu thụ cà phê hàng ngày, trong đó 59% là cà phê đặc sản, tăng trưởng mạnh mẽ từ mức 9% vào năm 1999, và dự kiến sẽ tăng lên mức 61% vào năm 2019, đối tượng khách hàng thúc đẩy sự gia tăng này là giới trẻ, theo Vietnambiz.
Theo Hiệp hội cà phê đặc sản Hoa Kỳ (SCAA), số lượng các nhà bán lẻ cà phê đặc sản đã tăng 10 lần trong 20 năm trong giai đoạn 1993-2013, từ 2.850 lên 29.200 trong đó 45% là các chuỗi bán lẻ và 55% là các cửa hàng độc lập (kinh doanh tại ít hơn 3 địa điểm). Sự phát triển của các cửa hàng cà phê nhỏ đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nhu cầu về cà phê đặc sản.
Về thương mại, con đường đi của cà phê thường không phải trực tiếp từ các nước xuất khẩu đến thẳng các nhà rang xay mà phần lớn trải qua nhiều khâu trung gian. Cấu trúc của thương mại cà phê tại các nước Bắc Mỹ, hầu hết các nước Tây Âu và Nhật Bản là khá giống nhau, theo đó cà phê được các nhà thu mua quốc tế, các thương nhân hay người môi giới mua từ các nước xuất khẩu.
Một số nhà rang xay lớn có thể có bộ phận thu mua riêng của mình nhưng phần lớn các nhà rang xay thường mua từ các nhà thu mua quốc tế hoặc các đại lý chuyên doanh cà phê. Thương mại cà phê được cho là rất tập trung với một số ít các nhà thu mua quốc tế kiểm soát thị trường thế giới.
Các doanh nghiệp đứng đầu bao gồm: Neumann Kaffee Gruppe, ED&F Man Volcafe và ECOM trong đó công ty gia đình Neumann đã chiếm 10% thương mại cà phê thô thế giới, tương ứng với 15 triệu bao và nhiều hơn sản lượng của cả nước Columbia trong năm 2017.
Các doanh nghiệp này không chỉ sở hữu một phần lớn các cơ sở chế biến và kho lưu trữ ở hầu hết các nước sản xuất cà phê, họ còn tham gia quản lý trang trại, xuất khẩu và nhập khẩu lô lớn, hậu cần, lưu trữ, quản lý rủi ro và tài trợ tài chính.
Tuy nhiên, thương mại trực tiếp giữa các nhà rang xay và người canh tác cà phê ngày càng gia tăng, bỏ qua vai trò của thương gia trung gian. Việc giảm bớt các khâu trung gian cũng làm tăng sự gắn kết giữa các nhà rang xay và người canh tác, từ đó đáp ứng nhu cầu về tâm lý của người tiêu dùng đó là gắn việc uống cà phê với nguồn cung.
Với sự phổ biến mạnh mẽ của internet, thương mại điện tử, hơn bao giờ hết, các nhà sản xuất và các nhà rang xay cà phê ngày càng dễ dàng hơn trong việc thiết lập các mối quan hệ làm ăn trực tiếp, từ đó tạo được những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.