Chỉ còn khoảng một tháng nữa niên vụ cà phê 2013 – 2014 bắt đầu nhưng các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vẫn đang đối diện với hàng loạt khó khăn về vốn vì chậm hoàn thuế, vì gian lận thương mại… Nhiều DN đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động!
Tại Hội nghị bàn về các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu cà phê niên vụ 2013-2014 do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) và Câu lạc bộ các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam tổ chức ngày 24/9, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VICOFA, cho biết, có rất nhiều DN cà phê “ma” ra đời mua cao bán thấp để “ăn” tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) rồi bỏ trốn làm náo loạn thị trường trong nước khiến hầu hết công ty cà phê đứng trước nguy cơ không được hoàn thuế VAT.
Cùng nhận định này, ông Nguyễn Minh Bạn, Giám đốc Công ty Cà phê Minh Huy (Đồng Nai), chia sẻ kỹ hơn. Khi giá cà phê ở mức 40.000 đ/kg, những “DN ma” mua của nông dân với giá cao hơn giá thị trường 2.000 đ/kg.
Số tiền chênh lệch này DN thỏa thuận chia cho nông dân 1.500 đ/kg và họ giữ 500đ/kg và không ghi hóa đơn. Mặc dù bán lại cho DN xuất khẩu với giá 40.000 đ/kg nhưng “DN ma” vẫn lãi 500 đồng/kg vì được hưởng 5% thuế VAT.
Nếu chỉ tính trên mỗi kg thì không bao nhiêu nhưng với hàng chục ngàn tấn cà phê, DN đó đã chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng tiền thuế.
Khi những “DN ma” này biến mất thì DN xuất khẩu không được hoàn thuế VAT. “Đó là lý do khiến nhiều DN không dám mua nguyên liệu cũng không dám xuất khẩu vì nếu lỡ mua trúng DN “ma”, trốn thuế thì lại bị điều tra tội đồng phạm, vi phạm pháp luật”, ông Minh Bạn nói.
Không chỉ đối diện với các “DN ma”, các DN xuất khẩu cà phê còn khó khăn trong việc hoàn thuế. Theo quy định mới của Bộ Tài chính, từ 1/7/2013, DN xuất khẩu chỉ được hoàn thuế sau khi cơ quan thuế kiểm tra hóa đơn đến người đầu tiên (kiểm trước, hoàn sau).
Có nghĩa là, DN phải có đầy đủ hóa đơn từ người bán đầu tiên. Điều này là không thể. Bởi, trên thực tế, các DN xuất khẩu mua hàng qua nhiều tầng nấc trung gian nên rất khó để kiểm tra những người bán hàng trước. Nếu có kiểm tra được thì cũng mất cả năm trời.
Thông thường, các DN xuất khẩu đã trả phí VAT cho người bán hàng trực tiếp trên giá xuất hóa đơn và người bán hàng (khâu trung gian) phải có trách nhiệm nộp lại khoản thuế này cho địa phương.
Thế nhưng, họ có nộp cho địa phương hay không thì DN xuất khẩu không thể biết được. Ngoài ra, các DN xuất khẩu còn bức xúc vì việc hoàn thuế không thống nhất giữa các địa phương.
Trong khi Hà Nội vẫn hoàn thuế bình thường thì đến nay, các tỉnh và thành phố khác vẫn còn “ngâm” hồ sơ DN chưa giải quyết. Việc này đã khiến cho nhiều DN xuất khẩu hết sức khó khăn.
Theo Vicofa, từ năm 2012 – 2013, xuất khẩu của ngành cà phê giảm cả về sản lượng lẫn giá trị khi chỉ đạt 1,4 triệu tấn (giảm 23,7%) và 2,8 tỷ USD (giảm 22,8%) so với cùng kỳ năm ngoái. 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm hơn 20% về sản lương và giá trị.
Các thành viên Vicofa cho rằng, xuất khẩu cà phê giảm thời gian qua một phần là do gian lận thuế VAT nhưng phần còn lại do thị phần mất vào nước ngoài. Trước đây VN xuất khẩu 110.000-120.000 tấn/tháng nay chỉ còn 80.000-90.000 tấn/tháng.
Cùng nhận định này, ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Tinh Anh nhận phân tích thêm:
“Lượng bán thấp hơn mà giá vẫn giảm chứ không tăng là do có nguồn cung khác thay thế. Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề thuế VAT thì hàng sẽ không đi được và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác là Indonesia và Brazil chiếm thị phần. Trước mắt, 400.000 tấn cà phê robusta của Brazil và 100.000 tấn của Indonesia sẽ được đưa ra thị trường và Việt Nam còn có thể mất thêm thị phần trong thời gian tới”.
Trước những khó khăn này, 20 DN xuất khẩu thuộc thành viên Vicofa kiến nghị tạm ngừng hoàn thuế VAT trong vòng một năm (từ tháng 11/2013), để xem xét hoặc chuyển từ phương án kiểm trước – hoàn sau sang hoàn trước – kiểm sau, hoặc nếu được thì đưa mức VAT về 0% đối với một số mặt hàng cà phê.
Vì khi ngừng hoàn thuế thì các “DN ma” khó có thể hoạt động và như vậy sẽ giảm được tình trạng gian lận thuế. Khi số “DN ma” giảm thì thị trường sẽ trở về guồng quay của nó và các DN xuất khẩu trong cả nước cũng được “đối xử công bằng” như nhau.
“Vicofa cũng sẽ tập hợp ý kiến của DN để gửi đến Bộ Nông nghiệp và Nông thôn; phối hợp với một số hiệp hội ngành hàng khác như Hiệp hộ Hồ tiêu, Hiệp hội điều để đối chất với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nhằm tìm ra một giải pháp phù hợp đối với vấn đề thuế VAT”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết.