Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho rằng, có cảm giác Bộ Tài chính đang muốn tận thu khi đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cà phê trong khi nhà nước đang có chủ trương khuyến khích phát triển lĩnh vực nông sản này.
Số liệu thống kê cho biết, xuất khẩu cà phê năm 2017 của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch trên 3 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng tăng 20% về giá so với năm 2016.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, năng suất bình quân của cây cà phê hiện nay chỉ đạt 2,5 tấn/ha, tương đương với giá trị 100 triệu đồng/ha, đây là mức thu nhập thấp tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Do đó, một số vùng như Đắk Lắk, Đồng Nai, nhiều người dân đã chặt bớt những cây cà phê già cỗi, trồng xen canh với các cây trồng khác vì năng suất và hiệu quả từ trồng cà phê đang giảm dần.
Trong khi đó, tại một số vùng, do chuyển đổi giống cây cà phê đã khiến năng suất tăng cao như Lâm Đồng, Gia Lai với năng suất đạt từ 7 – 10 tấn/ha, thu nhập 200 – 300 triệu đồng/ha. Dự kiến Lâm Đồng sẽ là thủ phủ cà phê mới trong vài năm tới thay Đắk Lắk.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành công thương, ông Nam cho biết, để giữ cây cà phê của Việt Nam phát triển biền vững cần đẩy mạnh tái cơ cấu giống cây trồng. Hiện nay mặt hàng này đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân với giá trị thấp. Nhiều doanh nghiệp đang muốn đầu tư nhà máy chế biến cà phê hoà tan. Ông Nam tiết lộ, Intimex cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê với công suất 3.000 tấn, tổng vốn lên tới 600 tỷ đồng.
Song trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp đang rất lo lắng trước đề xuất của Bộ Tài chính, áp thuế 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản phẩm cà phê hoà tan đóng gói.
Ông Nam cho rằng, có cảm giác Bộ Tài chính đang tận thu từ thuế hơn nuôi dưỡng nguồn thu là sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi cà phê là đặc sản của Việt Nam, một trong những mặt hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
“Nhà nước hiện cũng đang khuyến khích đầu tư cho phát triển thị trường này, tại sao Bộ Tài chính lại có đề xuất tăng thuế, gây khó khăn cho doanh nghiệp như vậy”, Tổng giám đốc Intimex đặt câu hỏi.
Bốn giải pháp nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu
Điểm qua một số thị trường nông sản khác của Việt Nam. ông Nam cho biết, năm 2017, xuất khẩu hồ tiêu đạt 210.000 tấn, tăng 15% so với năm 2016, kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD.
Hầu hết các nước trên thế giới đều nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Trong đó, tại Tây Á, Châu Phi, Việt Nam giữ độc quyền; tại Mỹ, hồ tiêu Việt Nam chiếm 50% lượng tiêu nhập khẩu của nước này.
Do lợi nhuận cao nên hiện Việt Nam đang mở rộng diện tích trồng hồ tiêu rất lớn, đạt trên 130.000ha. Cùng với đó là áp lực từ Campuchia khi sản lượng hồ tiêu của nước này đạt 20.000 tấn năm 2017.
Theo ông Nam dự báo, vụ mùa 2018, dự kiến giá hồ tiêu có khả năng sẽ chạm giá thành sản xuất khoảng 50 ngàn/kg, khởi đầu cho 1 năm rủi ro của mặt hàng nông sản này.
Về thị trường điều, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 350.000 tấn điều nhân, sử dụng từ 1,6 triệu tấn điều thô, trong đó nhập khẩu 1,3 triệu tấn điều thô chủ yếu từ Châu Phi. Thông qua gia công chế biến điều, Việt Nam đã thu về 1 tỷ USD.
Với việc đầu tư hệ thống chế biến điều thô, Việt Nam hiện đã trở thành nước gia công chế biến điều lớn nhất thế giới. Điều đó cho thấy, người Việt Nam không chỉ xuất khẩu thô mà còn có thể xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao đã qua chế biến có giá trị cao.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển của ngành nông sản này trong thời gian tới, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex kiến nghị Chính phủ cần xem xét việc áp dụng trồng giống điều cao sản với sản lượng từ 5 -10 tấn/ha. Bởi với sản lượng thấp như hiện nay, mức giá trên 40 nghìn đồng/kg, thu nhập 100 triệu đồng/ha, người dân sẽ khó để tiếp tục phát triển cây trồng này trong thời gian tới.
Về vốn vay cho sản xuất nông nghiệp, ông Nam cũng cho rằng, ngành nông nghiệp hiện nay đang phát triển với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, từ 10 – 15 %năm. Chính vì vậy, nguồn vốn cho việc phát triển của ngành là rất quan trọng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp có cảm giác các ngân hàng hiện nay chỉ thích cho vay bất động sản, rất ít ngân hàng cho vay nông nghiệp với lãi suất cao. Điều này đang cản trở không nhỏ đến sự phát triển của ngành nếu Nhà nước không có những ưu đãi kịp thời, ông Nam nhấn mạnh.
Để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản xuất khẩu Việt Nam, Tổng giám đốc Intimex đã kiến nghị bốn giải pháp cơ bản nhằm nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu.
Thứ nhất, đẩy mạnh đầu tư khoa học kỹ thuật về giống nông sản cao sản cho các loại cây với sản lượng xuất khẩu có số lượng lớn, có thị trường tiêu thụ ở nhiều khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, đầu tư chiều sâu cho khâu bảo quản và thiết bị công nghệ chế biến nông sản kỹ thuật cao do Việt Nam sản xuất. Hiện nay, Việt Nam có nhiều thiết bị chế biến nông sản kỹ thuật tốt không cần phải nhập khẩu, nếu được đầu tư xứng đáng, chắc chắn khả năng cạnh tranh với thiết bị nhập khẩu.
Thứ ba, xây dựng thị trường nhập khẩu lớn và ổn định ở các nước trên thế giới thông qua các hiệp định song phương, đa phương cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế riêng của Việt Nam.
Thứ tư, tăng cường vốn cho xuất khẩu trên nguyên tắc là chỉ tiêu pháp lệnh cho các ngân hàng với vòng quay vốn khoảng 6 tháng/vòng.
Nguồn: theleader.vn