Việt Nam sắp “vượt mặt” Brazil trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới

Theo số liệu thống kê chính thức cho thấy Brazil đang dần để tuột mất vị trí đứng đầu về tay Việt Nam trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, do kim ngạch xuất khẩu cà phê robusta giảm mạnh trong nhiều năm.

viet-nam-sap-vuot-mat-brazil-tro-thanh-quoc-gia-xuat-khau-ca-phe-lon-nhat-the-gioi

Các thương lái cà phê Brazil vừa khằng định lại lần nữa rằng họ vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cà phê trên thị trường.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chính thức cho thấy quốc gia này đang dần để tuột mất vị trí đứng đầu về tay Việt Nam trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, ít nhất là tạm thời do kim ngạch xuất khẩu cà phê robusta (hay còn gọi là cà phê vối) giảm mạnh trong nhiều năm.

Ông Nelson Carvalhaes, chủ tịch nhóm xuất khẩu cà phê Cecafé cho biết tháng trước Brazil xuất khẩu gần 2,5 triệu bao cà phê, đáp ứng được nhu cầu thị trường mặc dù đó là tháng lễ hội Carnaval.

Tuy nhiên, con số 2,48 triệu bao cà phê mà Brazil đã xuất khẩu trong tháng Hai là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do xuất khẩu mặt hàng cà phê robusta bị giảm sút.

Con số này sát với lượng cà phê mà Việt Nam xuất khẩu trong tháng Hai với 2,44 triệu bao (tương đương 146.402 tấn). Hiện tại Việt Nam đang đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Mặc dù nguồn cung cà phê của Việt Nam sang thị trường thế giới có chút gián đoạn do kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán kéo dài hơn một tuần, nhưng lượng xuất khẩu vẫn tăng 23%.

Vượt qua mọi dự báo

Thế mạnh xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã khiến không ít các nhà đầu tư và chuyên gia không khỏi bất ngờ. Hãng I&M Smith nhận định kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vượt qua mọi dự đoán.

Lãnh đạo ngành của Việt Nam trước đó đã dự báo lượng cà phê xuất khẩu trong tháng Hai sẽ đạt khoảng 2,17 triệu bao trong khi các thương gia dự báo con số này giao động khoảng 1,83- 2,33 triệu bao.

Mức tăng trưởng này vẫn lớn mạnh ngay cả khi Brazil không nhập khẩu cà phê robusta của Việt Nam như đã dự định từ trước do hạn hán kéo dài ở quốc gia này gây ảnh hưởng vụ mùa.

Một thương gia nhận định “Có lẽ nếu Brazil hành động theo kế hoạch như ban đầu, thì xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng qua đã “vượt mặt” Brazil”.

Xuất khẩu giảm sút liên tục trong nhiều năm

Nguồn cung cà phê robusta của Brazil ngày trở nên khan hiếm hơn qua nhiều năm. Điều này thể hiện rõ nhất trong bảng số liệu xuất khẩu cà phê hạt của nước này trong trong tháng trước đã giảm tới 57% so với tháng Một, xuống còn 9,62 triệu bao. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Xuất khẩu cà phê arabica trong tháng Hai cũng chỉ đạt 2,22 triệu bao, giảm 8,1% so với tháng Một và giảm 12,9% cùng kỳ năm ngoái.

Trong hai tháng đầu năm, Brazil xuất khẩu tổng cộng 5,11 triệu bao cà phê, trong đó thị trường Đức nhập khẩu lớn nhất lượng cà phê của quốc gia Nam Mỹ này với 1 triệu bao, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là “bạn hàng” cà phê lớn thứ hai của Brazil (sau Đức) với 957.726 bao được xuất sang quốc gia này trong tháng Một và tháng Hai giảm 14,6%.

Nông dân không muốn bán

Với mức giá hiện tại, nông dân của Brazil từ chối bán cà phê ngay cả khi đồng real đang yếu hơn so với đồng USD. Trên thực tế, họ đang đánh cược rằng đồng real sẽ còn yếu hơn nữa đẩy giá mặt hàng được giao dịch bằng đồng USD trên thị trường quốc tế như cà phê lên cao hơn.

Về phần Việt Nam, I&M Smith cũng cảnh báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ gặp trở ngại do nhu cầu trong nước được dự báo sẽ tăng khoảng 2,8 triệu bao mỗi năm.

Nguồn: ndh.vn

Trả lời