Giá cà phê, thị trường cà phê Việt Nam và thế giới

Giật mình những “con số đen” trong ngành cà phê Việt Nam

Nợ xấu và nguy cơ nợ xấu tăng, ngân hàng quay lưng, sản lượng giảm… tất cả những khó khăn đang bủa vây ngành cà phê Việt Nam, còn doanh nghiệp cà phê thì đứng trước bờ vực phá sản.

Những “con số đen” của cà phê Việt Nam

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê trong tháng 05/2013 đạt 110 nghìn tấn với giá trị kim ngạch đạt 240 triệu USD, giảm 0,9% về lượng và giảm 1,2% về kim ngạch so với tháng trước; giảm 46,0% về lượng và 43,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 5/2013 đã giảm mạnh so với tháng 5/2012. Tình hình xuất khẩu cà phê trong 5 tháng đầu năm 2013 của Việt Nam suy giảm mạnh khi tổng lượng xuất ước đạt 600 nghìn tấn, trị giá 1,315 tỷ USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 20,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2013, tình hình xuất khẩu cà phê của Việt Nam vô cùng ấn tượng với mức tăng tới 54,2% về lượng và 60,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, liên tiếp trong 4 tháng từ tháng 02 – 05/2013, mức tăng trưởng xuất khẩu âm liên tiếp và dự kiến duy trì xu hướng này cho đến thời điểm hiện nay.

Theo đánh giá của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO), cà phê xuất khẩu của Việt Nam không chỉ giảm trong tháng 6/2013 mà còn giảm trong suốt 9 tháng đầu của niên vụ 2012-2013 khi chỉ đạt 17,32 triệu bao, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cộng thêm vào đó giá cà phê trong nước và thế giới đều giảm, giá cà phê nhân xô thu mua trong nước, giá xuất khẩu và giá giao dịch cà phê trên thị trường thế giới đều có xu hướng giảm mạnh do áp lực dự báo sản lượng tăng ở Brazil, Indonesia,… Giá cà phê Robusta nhân xô tại Lâm Đồng hiện chỉ còn 39.600 đồng/kg, giảm tới 5.400 đồng/kg so với thời điểm tháng 3/2013 (45.000 đồng/kg).

Tương tự như vậy, giá cà phê Robusta xuất khẩu tại cảng TP.HCM hiện đã giảm tới 254 USD/tấn, giá chỉ còn 1.882 USD/tấn so với hồi tháng 3 (2.136 USD/tấn). Xu hướng giảm giá cà phê nhân và giá xuất khẩu trong một thời gian dài mang đến những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp còn hàng tồn hoặc thu mua nhiều vào thời điểm đầu năm 2013. Con số mới đây công bố ngành cà phê còn đang tồn 200.000 tấn.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam bị suy giảm ở hầu hết các thị trường quan trọng. Trong 4 tháng đầu năm 2013, lượng xuất khẩu cà phê tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước tại 12/20 thị trường lớn nhất. Trong đó, các thị trường đầu ra lớn nhất cho cà phê Việt Nam là Đức và Hoa Kỳ đều có mức tăng trưởng âm về lượng. Trong 4 tháng đầu năm 2013, Việt Nam xuất sang thị trường Đức 82,4 nghìn tấn (-16,3% so với cùng kỳ), xuất sang thị trường Hoa Kỳ 68,3 nghìn tấn (-13,3% so với cùng kỳ).

Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) đánh giá lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam không chỉ giảm trong tháng 6/2013 mà còn giảm trong suốt 9 tháng đầu của niên vụ 2012-2013 khi chỉ đạt 17,32 triệu bao, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, trong 9 tháng đầu niên vụ 2012/13, xuất khẩu cà phê của Indonesia đạt 6,8 triệu bao, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo xuất khẩu cà phê tháng 7/2013 đã giảm 23,7% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2012. Hai thị trường lớn nhất là Đức và Hoa Kỳ lần lượt đạt giá trị kim ngạch 170,5 triệu USD (-15,5% so với cùng kỳ) và 149,0 triệu USD (-18,5% so với cùng kỳ).

Khối lượng xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm ước đạt 890 ngàn tấn, giá trị đạt xấp xỉ 1,91 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 2.160 USD/tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

50% doanh nghiệp cà phê tăng trưởng âm

Trong 04 tháng đầu năm 2013, có tới 9 trong tổng số 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu đạt giá trị kim ngạch âm và 4/20 doanh nghiệp này đã bị rớt hạng so với cùng kỳ năm trước. Một số công ty có mức giảm mạnh như công ty TNHH Mercafe Việt Nam (-54,79%, giảm 6 hạng), công ty TNHH Armajaro Việt Nam (-46,40%, giảm 5 hạng), công ty TNHH Anh Minh (-39,39%, giảm 5 hạng).

Giá trị xuất khẩu lũy kế đến tháng 4/2013 của một số doanh nghiệp trong top 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất 4 tháng 2012 giảm đáng kể. Suy giảm lớn nhất là công ty TNHH Trường Ngân, chỉ xuất được 11,5 triệu USD, giảm tới 75,6% giá trị so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH SX&TM Cát Quế (-71,6%), công ty TNHH Vĩnh Hiệp (-68,8%),… cũng trong tình cảnh tương tự.

Nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp cà phê Việt là chưa làm chủ được thị trường cho dù là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này. Trong khi việc định giá cà phê vẫn đang nằm trong tay các nhà buôn lớn tham gia vào quỹ đầu cơ và các sàn giao dịch lớn ở các quốc gia không có cà phê, như: Anh, Mỹ, Đức, Thụy Sỹ…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cà phê nội địa đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp FDI. Theo ông Nguyễn Viết Vinh – Tổng thư ký Vicofa, hiện 12 doanh nghiệp FDI đã thu mua và XK khoảng 50% sản lượng cà phê xuất khẩu, khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Vicofa cũng cảnh báo trong tương lai, nếu doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê, thì về lâu dài sẽ kiểm soát giá cả theo ý muốn.

Theo ông Vinh, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội trong lĩnh vực cà phê hiện nay là không cân xứng. doanh nghiệp FDI luôn được ưu đãi về thuế, được vay vốn ngoại tệ từ công ty mẹ ở nước ngoài với mức lãi suất thấp. Đó là chưa kể hiện tượng chuyển giá để trốn thuế. Việc tranh mua nguyên liệu cà phê của các doanh nghiệp FDI khiến nhiều doanh nghiệp nội địa lâm vào tình cảnh khó khăn do không có nguyên liệu chế biến.

Trong khi nhiều doanh nghiệp cà phê trong nước lâm vào tình cảnh “thoi thóp” vì nợ nần, thì các doanh nghiệp FDI như Nescafé, Mondelz International… không ngừng tăng vốn đầu tư vào thu mua, sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê.

Ngân hàng quay lưng

Mới đây vụ việc Trường Ngân – một công ty xuất khẩu (XK) cà phê có tiếng ở Bình Dương bị 7 ngân hàng “bao vây” siết nợ (số nợ của DN này lên tới hàng nghìn tỷ đồng) là ví dụ điển hình về mối quan hệ ngày càng xấu giữa DN và ngân hàng thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Nhiều doanh nghiệp cà phê đầu tư lớn nhưng hiện nay tổng tồn kho khoảng 200.000 tấn, lại bị ngân hàng phong tỏa tài sản, nguy cơ thua lỗ là rất lớn”.

Thực tế, tình trạng doanh nghiệp cà phê vỡ nợ hầu như đã trở thành “quy luật”, năm nào cũng xảy ra. Theo thống kê của Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa), năm 2012 có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Tại “thủ phủ cà phê” – tỉnh Đăk Lăk, năm 2012 có tới 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ.

Bộ Tài chính cho biết ngành cà phê đang đối mặt với thiếu vốn, lãi suất cho vay cao (trung bình 17%/năm). Tổng nợ xấu và có nguy cơ nợ xấu của ngành cà phê hiện nay đã lên tới 8.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ của ngành cà phê). Những khó khăn trên khiến các ngân hàng gần như “quay lưng” với các doanh nghiệp cà phê, không dám cho vay để sản xuất, xuất khẩu.

Trước những khó khăn trên, Bộ NN&PTNT vừa kiến nghị với Bộ Tài chính về cơ chế hỗ trợ với một số mặt hàng XK, trong đó có cà phê: Mặt hàng cà phê đã qua chế biến được gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng với các khoản vay tín dụng từ Nhà nước; các DN kinh doanh cà phê được tái cơ cấu các khoản nợ vay trước đây lên thời hạn vay 5 năm…

Về lâu dài, để ngành cà phê Việt Nam thật sự phát triển bền vững cần đưa tạm trữ cà phê trở thành chương trình ưu tiên định kỳ hàng năm như lúa gạo.

Theo  Hoàng Lực (Giaoduc.net.vn)

Exit mobile version