Theo ghi nhận trên thị trường nông sản hôm nay 7/1, giá cà phê nhân xô tại thị trường trong nước giảm nhẹ tại một số địa phương. Hiện các đại lí thu mua với giá từ 33.000 – 33.900 đồng/kg cà phê nguyên liệu. Riêng đối với hồ tiêu, thị trường vẫn trong xu hướng buồn tẻ vì giá tiêu thế giới đang ở mức thấp, dư cung nhiều. Đáng chú ý là nhiều vườn hồ tiêu tại Tây Nguyên đang chết trắng vì nhiễm dịch bệnh.
>> Xem giá cà phê hôm nay cập nhật
Giá cà phê hôm nay 7/1 giảm nhẹ
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên trong sáng nay điều chỉnh giảm nhẹ 100 đồng/kg tại một số địa phương.
Cụ thể, giá cà phê nguyên liệu tại tỉnh Đắk Lắk hiện đang giao dịch từ 33.800 – 33.900 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá cà phê tại Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai lần lượt giao dịch ở mức 33.500 đồng/kg, 33.600 đồng/kg và 33.700 đồng/kg. Trong đó, tại Kon Tum giá cà phê giảm 200 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Tại địa bàn Lâm Đồng dao động từ 33.000 – 33.100 đồng/kg.
Tại cảng TP.Hồ Chí Minh, giá cà phê nhân xuất khẩu tại các kho đang ở mức 34.800 đồng/kg, không đổi so với tuần trước.
Những ngày này, người dân các địa phương trong tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung đang bước vào cuối vụ thu hoạch cà phê. Trái với không khí khẩn trương, tất bật của năm ngoái, năm nay nhiều chủ vườn cà phê tìm mãi mới thuê được người hái, lại rơi vào cảnh mất mùa, mất giá nên mặt ai cũng buồn thiu, thậm chí có vườn bị lỗ nặng, có bán hết cà phê cũng không đủ tiền tái đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Rơ Len Lai (54 tuổi, trú tại thôn O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho hay: “Cà phê năm nay chán lắm, cả vườn nhà tôi khoảng 1.000 cây năm ngoái vẫn thu được 3 tấn nhân, năm nay chắc chưa được 1 tấn. Nhiều cây còn không có trái, thế nên thuê nhân công cũng chẳng ai buồn hái vì không đủ ngày công của họ. Hiện tại, cả gia đình phải làm cật lực mới hái xong 500 cây, còn khoảng 500 cây phải hái nốt, nếu để cây bung hoa là năm sau mất mùa hẳn”.
Theo bà con nông dân, niên vụ vừa qua gặp đợt mưa kéo dài đúng lúc cây cà phê ra quả non, khiến nhiều vườn bị rụng quả, dẫn tới năng suất giảm so với niên vụ trước. Còn theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Gia Lai, năng suất cà phê toàn tỉnh vụ này chỉ còn bình quân 11,5 tấn quả tươi/ha, giảm gần 1/3 so với vụ năm ngoái.
Nhà nông bất lực nhìn hơn 3.500ha hồ tiêu chết trắng
Trong khi giá hồ tiêu nguyên liệu liên tục giảm sâu và hiện chỉ còn từ 50.000 – 52.000 đồng/kg thì hàng nghìn hộ trồng tiêu khắp các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai lại phải đối mặt với tình trạng tiêu nhiễm bệnh, chết dần. Thậm chí, nhiều vườn còn chết trắng, khiến nông dân ôm nợ.
Nhà ông Vũ Đăng Khoa (ở thôn 16, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) có gần 3ha hồ tiêu, từ đầu tháng 12/2018 đến nay bỗng xuất hiện tình trạng tiêu chết với tốc độ chóng mặt. Sau 1 tháng, khoảng 2.700 gốc tiêu nhà ông bị chết rụi. Gia đình ông Khoa đứng ngồi không yên vì khoản vay ngân hàng sắp tới kỳ đáo hạn, trong khi vườn tiêu chỉ mới thu bói được 1 năm đã chết gần hết.
Theo thông tin trên báo Tiền phong, tại xã Đắk N’Drung (huyện Đắk Song), nông dân cũng đang điêu đứng vì tiêu chết. Từ thời điểm tiêu có hiện tượng vàng lá đến khi chết khô chỉ chưa đầy một tuần khiến chủ vườn không kịp trở tay. Nhiều hộ tốn tới cả trăm triệu để mời thầy, mua thuốc trừ bệnh cho tiêu nhưng không hiệu quả. Trong năm 2018, riêng huyện Đắk Song có gần 1.700 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, hơn 200 ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn.
Tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt cũng đã bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Gia Lai với khoảng 1.000 ha tiêu bị chết. Nhiều hộ dân có vườn tiêu chết bị bể nợ, đời sống gặp muôn vàn khó khăn. Đi dọc con đường nhựa từ thôn 1 vào thôn 2, thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai), hai bên đường tiêu chết la liệt. Nhiều vườn chết trắng, cây khô còn bám nguyên trên trụ.
Theo Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên – WASI, toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 92.992 ha hồ tiêu tập trung chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, trong đó diện tích tiêu đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch 50.099 ha. Thống kê đến đến cuối tháng 12/2018, có hơn 3.500 ha hồ tiêu bị chết, gây thiệt hại cho nông dân hàng nghìn tỷ đồng. Hiện các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn gần 3.000 ha cây hồ tiêu đang nhiễm bệnh nên khả năng diện tích tiêu bị chết sẽ còn tăng lên.